Trong những ngày mùa đông Hà Nội nhiệt độ thất thường chênh lệch giữa buổi sáng và buổi chiều đến hơn 10 độ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển nhanh chóng gây ra các bệnh ở người đặc biệt là rhinoviruses nguyên nhân của bệnh cảm cúm. Căn bệnh này đối với người lớn bình thường thì không có gì đáng quan ngại nhưng sẽ rất nguy hiểm với trẻ em vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, nếu mắc cảm lạnh rất có thể dẫn tới viêm phổi, viêm phế quản

9 mẹo trị cảm lạnh mà không cần uống thuốc
- Vệ sinh mũi sạch sẽ
Việc vệ sinh mũi bằng cách hỉ mũi sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của chất nhầy vào sâu bên trong mũi, khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
2. Vệ sinh miệng và họng bằng nước muỗi loãng
Súc miệng nước muối là giải pháp vệ sinh miệng và họng không những làm dịu đi tức thời những cơn đau rát họng mà còn kháng viêm hiệu quả.
3. Tắm nước nóng bằng vòi hoa sen
Việc tắm nước nóng dưới vòi sen giúp bổ sung hơi nước, giữ ẩm và thông mũi, khiến việc hít thở trở nên dễ dàng hơn. Tuyệt đối không tắm nước lạnh vì sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, khiến tình trạng bệnh xấu đi.
4. Uống nhiều nước nóng
Uống nước nóng là phương pháp tưởng chừng như chẳng có hiệu quả gì, nhưng thực chất lại mang đến rất nhiều công dụng đối với việc trị cảm lạnh như làm tan đờm, giảm ho và làm dịu cơn đau họng.
5. Dùng tinh dầu
Tinh dầu tràm, bạc hà hay long não,… có tác dụng rất tốt trong việc phòng và điều trị cảm lạnh thông thường. Chỉ cần thoa một chút tinh dầu vào vùng dưới mũi sẽ giúp thông mũi và làm giảm bớt cơn đau ở mũi. Có thể thoa tinh dầu vào lòng bàn chân, thái dương hoặc tắm với nước ấm có hoà một vài giọt tinh dầu giúp phòng ngừa bệnh cảm lạnh rất hữu hiệu.
6. Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Sử dụng chườm nóng hoặc chườm lạnh xung quanh vùng xoang tắc nghẽn có thể giảm bớt khó chịu ở vùng mũi cho bạn. Nếu chườm khăn nóng có thể làm giảm áp lực phần xoang mũi và làm lớp dịch nhầy trong mũi lỏng hơn thì chườm khăn lạnh lại khiến các mạch máu ở vùng xoang mũi co lại, giúp giảm đau nhanh chóng.
7. Kê cao gối khi ngủ
Khi nằm xuống, chứng ngạt mũi thường có xu hướng bị nặng hơn. Bởi vậy, kê thêm gối để đầu đặt ở vị trí cao hơn khi ngủ sẽ giúp bạn hít thở dễ dàng và thoải mái hơn, đảm bảo một giấc ngủ ngon hơn cho bạn.
8. Sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý
Khi bị cảm lạnh, bạn hãy tạm gác công việc sang một bên và dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi. Một chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cơ thể tạo ra nhiều năng lượng hơn, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
9. Hạn chế đi ra ngoài
Nhiệt độ trong phòng và ngoài trời có sự chênh lệch rất lớn, bởi vậy, khi bị cảm lạnh bạn nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài trời thì nên đeo khẩu trang và mặc quần áo ấm tránh gió lùa.
Việc trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân khỏi cảm lạnh là rất cần thiết. Khi mắc bệnh cần lưu ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, vậy hãy bỏ túi cho mình những mẹo trên để phòng bệnh bạn nhé!